Suy Niệm CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – NĂM B

 

Suy Niệm CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – NĂM B

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 8, 27-35)



Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê.

Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là ai?" Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri". Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?"

Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Ðấng Kitô". Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó.

Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình".

 

 

Suy Niệm: Đức Kitô là ai ?

 

Sau một thời gian huấn luyện, hôm nay Chúa Giêsu muốn làm một cuộc thăm dò dư luận để xem sự hiểu biết của dân chúng và các tông đồ như thế nào về Ngài? Ngài đưa ra hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất để biết dư luận nghĩ gì về Ngài. Câu hỏi thứ hai để trắc nghiệm sự hiểu biết của các tông đồ về Ngài.

 

Câu hỏi thứ nhất: người ta bảo Thầy là ai?

Để trả lời được câu hỏi này một cách chính xác, đòi buộc các tông đồ phải là những người đã từng tiếp xúc với dân chúng. Tiếp xúc càng nhiều người thì câu trả lời càng phong phú và chính xác. Các ông đã từng theo Thầy đi đây đó, tiếp xúc với nhiều người, các ông đã nắm được chắc chắn dư luận nghĩ gì về Chúa Giêsu nên các ông trả lời ngay: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó"(Mc 8,28)

Thầy là Gioan Tẩy Giả: Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ nổi bật trong Cựu Ước. Ông có sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Đời sống của ông thánh thiện nên dân chúng vẫn lầm tưởng ông là Đấng Cứu Thế: “Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia!” (Lc 3,15). Chính những người biệt phái, luật sĩ, tư tế cũng sai người đến hỏi ngài có phải là Đấng Cứu Thế không: “Người Do Thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lê Vi đến hỏi ông: "Ông là ai? "  Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Đấng Kitô” (Ga 1,19-20). Gioan đã bị Hêrôđê giết chết. Sau này khi Chúa Giêsu đến. Người ta nghĩ Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả đã sống lại. Chính vua Hêrôđê cũng tin như thế: "Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy!" (Mc 6,16).

Thầy là Êlia: Tiên tri Êlia là một trong những tiên tri lớn trong thời Cựu Ước. Ông xuất hiện trong Kinh thánh như là người của Thiên Chúa, luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa và chiến đấu cách đầy nhiệt huyết cho việc thờ phượng một Thiên Chúa Thật. Ông bảo vệ lề luật của Thiên Chúa trong một cuộc chiến trọng đại trên núi Cát Minh, và sau này trên núi Hô-rép ông được ban cho một kinh nghiệm thân mật với Thiên Chúa hằng sống. Dân Do thái rất mong Êlia trở lại để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Nên họ lầm tưởng Chúa Giêsu là Êlia.

Thầy là Ngôn sứ : Ngôn sứ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để loan báo Lời của Ngài, để thay cho Thiên Chúa. Các Ngài là những người có kinh nghiệm, hiểu biết trực tiếp về Thiên Chúa, đã lãnh nhận mạc khải về sự thánh thiện và ý định của Chúa. Các ngôn sứ được sai đi để nhắc nhở con người về những đòi hỏi của Thiên Chúa, chỉ cho con người những điều sai trái để đưa họ về con đường vâng phục và yêu mến Thiên Chúa.

 

Như vậy, khi dân chúng đồng hoá Chúa Giêsu với Gioan Tẩy Giả, với Êlia hay một ngôn sứ nào đó, tức là họ đánh giá cao về Chúa  Giêsu. Đối với họ, Chúa Giêsu không phải là người bình thường. Họ đánh giá Chúa Giêsu như vậy vì họ đã từng nghe Chúa giảng dạy “Như Đấng có uy quyền”, chứng kiến các phép lạ Chúa làm: kẻ què được đi, kẻ điếc được nghe, kể câm nói được, kẻ mù được thấy, kẻ chết sống lại. Nhưng những đánh giá của họ chỉ là những đánh giá chủ quan, theo sự hiểu biết bề ngoài. Họ chưa biết về Chúa Giêsu một cách chính xác.

 

Câu hỏi thứ hai: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Thánh Phêrô thay mặt cho nhóm mười hai trả lời Chúa Giêsu rằng: “Thầy là Đấng Kitô”.

Câu trả lời của Thánh Phêrô cũng là lời tuyên xưng của các tông đồ và giáo hội qua mọi thời đại. Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng rằng: “Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời”. Thật vậy, Chúa Giêsu là Đấng Kitô, là Thiên Chúa thật. Kitô có nghĩa là "được xức dầu" để thi hành sứ vụ Tiên tri, Tư tế và Vương đế.  Chính công đồng Chalcédoine (451) đã định tín: Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật, là người thật và là một ngôi vị duy nhất. Từ nhỏ chúng ta đã được học giáo  lý về việc Chúa Giêsu có hai bản tính: Bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người.

“Một nhà lãnh đạo Trung Hoa theo Kitô giáo đến thăm Hoa Kỳ. Sau khi nghe ông nói chuyện tại một buổi hội họp, một sinh viên hỏi: “Tại sao nước ông đã có Khổng Tử mà còn muốn có Kitô giáo ?” Ông đáp: “Có ba lý do. Thứ nhất, Khổng Tử là một vị tôn sư, còn Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế, chúng tôi cần Đấng Cứu Thế hơn là cần vị tôn sư. Thứ hai, Khổng Tử đã chết, Đức Kitô vẫn đang sống, chúng tôi cần một Đấng Cứu Thế đang sống. Thứ ba, Khổng Tử cũng có ngày chịu phán xét, chúng tôi cần biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế trước khi là vị thẩm phán. Đó là những lý do và cũng là lời tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế. Đức tin ấy đã được lưu truyền trong suốt lịch sử Giáo hội, khởi đầu từ các Tông đồ” (Sưu tầm).

 

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang hỏi mỗi người chúng ta “Còn anh em, anh em bảo Thày là ai?” Mỗi người chúng ta cần phải có câu trả lời cho riêng mình.

Sau lời tuyên xưng của thánh Phêrô, Chúa Giêsu đã mạc khải cho các tông đồ về cuộc khổ nạn của mình: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại”(Mc 8,31). Nhưng bản tính con người thích sướng, ngại khổ. Phêrô cũng không ngoại lệ, ông đã không chấp nhận Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn, ông đã can ngăn Ngài. Chúa Giêsu đã mắng ông và cho ông biết: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(Mc 8, 34). Đấng Kitô mà Phêrô tuyên xưng đã phải bước qua con đường khổ nạn mới có thể đem đến ơn cứu độ. Chính Isaia đã báo trước điều đó hàng trăm năm trước mà chúng ta nghe trong bài đọc I: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ”(Is 50,6).

Như vậy, Đức Kitô và thập giá phải gắn liền với nhau. Qua Thập giá mới tới vinh quang. Thập giá cũng là điều kiện ắt phải có của người môn đệ Đức Kitô. Nói cách khác, thập giá là tiêu chuẩn để đánh giá người môn đệ. Lời tuyên xưng của Thánh Phêrô chỉ là lý thuyết, các ông còn phải chứng mình bằng việc làm, bằng đời sống qua đau khổ.

Từ nhỏ đến lớn chúng ta đã được học giáo lý, chắn chắc chúng ta hiểu biết rõ ràng về Chúa Giêsu là ai? Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Nhưng đó chỉ là sự hiểu biết về tri thức. Chúa Giêsu còn muốn chúng ta thể hiện sự hiểu biết đó bằng chính cuộc sống? Không phải chỉ tuyên xưng bằng môi miệng nhưng phải thể hiện bằng việc làm.

Không phải chỉ tuyên xưng một lần, nhưng phải là lời tuyên xưng suốt cả cuộc đời. Không phải chỉ tuyên xưng khi bằng yên vô sự mà cả những lúc gặp thử thách đau khổ. Sau này, các tông đồ và Thánh Phêrô đã hiểu ý nghĩa của thập giá nên các ông đã không ngại dấn thân và cố gắng lướt thắng mọi gian nan đau khổ. Cái chết tử đạo của Thánh Phêrô và các tông đồ làm chứng điều đó. Như vậy, các tông đồ đã tuyên xưng đức tin của mình không chỉ bằng lý thuyết mà còn bằng hành động cụ thể của mình.

Trong bài đọc II hôm nay, Thánh Giacôbê đã khẳng định: “Đức tin không có hành động là đức tin chết”(Gc 2,17). Ngài còn đưa ra dẫn chứng cụ thể: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày,  mà có ai trong anh em lại nói với họ : "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?”(Gc 2,15-16).

Trong thực tế cuộc sống, nhiều người có khoảng cách rất lớn giữa lời nói và việc làm. Nói một đàng làm một nẻo. Nói về bác ái rất hay nhưng không bao giờ làm phúc bố thí. Khuyên người khác giữ đức công bằng nhưng chính mình lại tham ô, tham nhũng. Dạy người khác tha thứ nhưng mình là hằn vặt. Tin Chúa nhưng không thực hành đức tin. Yêu mến Chúa nhưng ngại dấn thân. Lý thuyết và thực hành không ăn khớp với nhau. Đức tin và hành động còn cách xa nhau. Đó chính là Đức tin chết tận gốc rễ.

Hãy siêng năng học hỏi giáo lý để hiểu biết về Chúa Giêsu hơn. Hãy siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích để sống thân mật với Chúa Giêsu hơn. Có như vậy đức tin và hành động mới đi liền với nhau, đau khổ mới có thể dẫn tới vinh quang. Có như vậy mới nói được như Thánh Giacôbê tông đồ rằng: "Bạn, bạn có đức tin ; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin”(Gc 2,18). Nhờ đó, chúng ta mới có thể trả lời với người khác về Chúa Giêsu.

“Lạy Chúa là Cha chí thánh, Chúa đã muốn Con Một Chúa lấy máu mình làm giá chuộc chúng con; xin cho chúng con được một lòng gắn bó với Người, được thông phần đau khổ thập giá, để được cùng Người sống lại vinh quang”(x. Lời nguyện kinh sáng, thứ sáu tuần III).

 

Lm. Anthony Trung Thành

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.