Suy Niệm LỄ CHÚA CHỊU PHÉP RỬA NĂM C
Suy Niệm LỄ
CHÚA CHỊU PHÉP RỬA NĂM C
Tin Mừng Chúa
Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 3, 15-16. 21-22)
Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi
người tự hỏi trong lòng rằng: "Gioan có phải là Ðấng Kitô không?",
Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: "Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước,
nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho
Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!"
Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính
lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra
và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ
trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".
Suy niệm:
Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai bằng biến cố
chịu phép rửa bởi thánh Gioan Tẩy Giả. Phép rửa thánh Gioan và của Chúa Giêsu
có gì giống nhau và khác nhau không? Tại sao Chúa Giêsu lại chịu phép rửa bởi
Thánh Gioan? Từ lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa gợi nhớ về nhiệm vụ của chúng ta
khi lãnh nhận bí tích Rửa tội. Đó là mấy điểm tôi muốn gợi ý suy niệm trong bài
chia sẻ hôm nay.
1. Phép Rửa
của Thánh Gioan và của Chúa Giêsu giống và khác nhau thế nào?
Cả hai phép rửa đều có sự giống nhau vì: cả hai đều dùng nước để nói lên
ý nghĩa của sự thanh tẩy tội lỗi. Cả hai đều đòi buộc người lãnh nhận phải thực
tâm sám hối tội lỗi và sống công chính.
Nhưng phép rửa của Gioan không phải là bí tích, mà chỉ là cử chỉ tỏ lòng
thống hối. Cho nên, phép rửa của Gioan không tất yếu phát sinh hiệu quả tha
tội. Còn phép rửa của Chúa Giêsu là một bí tích: tha tội tổ tông truyền và các
tội riêng cho người lãnh nhận.
2. Tại sao
Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Thánh Gioan?
Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng vô tội. Ngài không
cần phải sám hối. Nhưng tại sao Ngài vẫn theo dòng người đến dòng sông Giođan
để xin Gioan làm phép rửa?
Lý do thứ nhất, Chúa Giêsu muốn sống tinh thần khiêm
hạ. Hành động khom người xuống để
chịu phép rửa của Gioan là cử chỉ hạ mình xuống thấp như những người tội lỗi
khác.
Ngài vô tội nhưng đã hoà mình vào những người có tội. Hành động này chỉ
có thể hiểu được khi chúng nhìn dưới góc độ của tình yêu: yêu cho nên hạ mình,
yêu cho nên “hy sinh cho người mình yêu”.
Thánh Phaolô đã nói: “Đức Giê-su Ki-tô,
vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng
với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở
nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Lý do thứ hai, Ngài làm thế là để thống hối thay cho
tội lỗi nhân loại. Trong thực tế
cuộc sống, chúng ta thấy Cha mẹ có thể xin lỗi hay đền tội thay cho con cái.
Giáo hội có thể xin lỗi hay đền tội thay cho các tín hữu. Đức Thánh Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II đã công khai xin lỗi thế giới hơn 100 lần về những tội lỗi của
Giáo hội, của các kitô hữu gây nên. Mặc dầu Cha mẹ hay Đức Giáo Hoàng không
mang những thứ tội đó, nhưng các ngài đã xin lỗi, sám hối thay cho con cái của
mình.
Cũng vậy, mặc dầu vô tội, nhưng Chúa Giêsu đã chấp nhận chịu nạn chịu
chết trên thập giá để nhằm mục đích cứu độ loài người tội lỗi. Noi gương Chúa
Giêsu, Thánh Marxilianô Kolbê cũng đã chết thay cho người tử tù vì tình yêu. Và
rất nhiều người khác chết thay cho kẻ thuộc về mình: Cha mẹ chết thay cho con
cái; Vợ chồng chết thay cho nhau. Các ngài làm thế không phải mình mang tội
nhưng là gánh tội của người khác.
Lý
do thứ ba, Ngài muốn giống như chúng ta mọi đàng,
ngoại trừ tội lỗi. Công đồng Vatican II
viết rằng: Ngài “đã làm việc với đôi tay con người, đã suy nghĩ bằng
trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu thương bằng quả tim
con người. Sinh bởi Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa
chúng ta, giống như chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (Gaudium et Spes, 22). Cho nên, khi dòng người đương
thời nghe lời Gioan Tẩy Giả để lãnh nhận phép rửa sám hối, thì chính Ngài không
muốn mình ở ngoài cuộc. Ngài muốn đồng hành với con người trong mọi biến cố vui
buồn, ngoại trừ tội lỗi.
Lý do thứ tư, Ngài muốn làm theo ý Chúa Cha. Cha mẹ nào cũng cảm thấy vui khi con cái làm theo ý
của mình. Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa của Gioan, là làm theo ý Chúa Cha. Ngài
đã làm vui lòng Chúa Cha. Bằng chứng là khi Chúa Giêsu vừa chịu phép rửa tội
xong thì cửa trời rộng mở, tiếng Chúa Cha phán: “Này là con ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng”(Lc 3,22).
3. Nhiệm vụ của chúng ta khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội
Lễ Chúa Giêsu chịu phép
rửa gợi nhớ về Bí tích Rửa Tội của chúng ta. Vì tình thương, Chúa Giêsu đã lập nên Bí tích Rửa Tội để tha tội
cho chúng ta. Đây là Bí tích cần nhất. Bởi vì, chỉ có người đã lãnh nhận Bí tích
này mới có thể lãnh nhận các Bí tích khác. Vì vậy, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo
gọi Bí tích Rửa tội là “lối dẫn vào các
bí tích khác”(x. số 1213). Thật vậy, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta mới có
thể lãnh nhận Bí tích Giao Hoà, Bí tích Thánh Thể, Bí tích Xức dầu…
Nhờ Bí tích Rửa Tội chúng
ta không những được tha tội nguyên tổ và tất cả các tội lỗi của bản thân, mà
còn được sinh ra trong sự sống mới, nhờ đó chúng ta trở thành nghĩa tử của Chúa
Cha, là chi thể của Chúa Kitô, là đền thờ Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, người lãnh
nhận Bí tích Rửa Tội được nhập vào Giáo Hội, Thân Thể Chúa Kitô, và được tham
dự vào chức tư tế của Chúa Kitô (x. GLHTCG số 1279). Vì vậy, Thánh Grêgôriô Naz
gọi “Bí tích Rửa Tội là hồng ân đẹp nhất
và tuyệt nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa” .
Nhưng quyền lợi đi đôi
với bổn phận. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Giáo Hội mời gọi chúng ta: Từ bỏ
tà thần, tuyên xưng Đức Tin. Từ bỏ tà thần tức là từ bỏ tội lỗi, từ bỏ những
quyến rũ bất chính và từ bỏ ma quỷ. Chúng ta thường gọi là: ma quỷ, thế gian và
xác thịt. Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta tuyên xưng đức tin, đó là những điều
chúng ta đã tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Nhưng Đức Tin không chỉ tuyên xưng
ngoài môi miệng mà còn phải thể hiện bằng những hành động cụ thể, vì như Thánh
Giacôbê nói “Đức Tin không việc làm là Đức
Tin chết”(Gc 2,17).
Khi lãnh nhận Bí tích
Rửa tội, Giáo Hội còn trao cho chúng ta chiếc áo trắng và ngọn nến sáng: chiếc
áo trắng là tượng trưng cho sự trong sạch tâm hồn; ngọn nến sáng là tượng trưng
cho Đức Kitô, Đấng là nguồn mạch ánh sáng. Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy gìn
giữ tâm hồn trong sạch, hãy gìn giữ ngọn lửa Đức Tin luôn luôn chiếu sáng cho
tới khi ra trước toà Chúa Kitô để chúng ta được sống muôn đời.
Vậy, chúng ta hãy kiểm
điểm xem: chiếc áo vị linh mục trao cho chúng ta trong ngày rửa tội, nay có còn
trong trắng nữa không? Ngọn lửa Đức Tin có còn cháy sáng nữa không? “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về
Người” (Mt 3,17). Đó là lời xác nhận của Chúa Cha về Chúa Giêsu. Ước gì
Chúa Cha cũng xác nhận về chúng ta như vậy.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con làm con Chúa qua Bí
tích Rửa Tội. Xin cho mỗi người chúng con biết trung thành với những lời thề
hứa trong ngày lãnh nhận Bí Tích này và cố gắng gìn giữ sự trong trắng của
chiếc áo chúng con đã lãnh nhận và gìn giữ ngọn đèn Đức Tin luôn luôn cháy sáng
để chúng con được hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa trên Thiên đàng. Amen
Lm. Anthony Trung Thành
Leave a Comment