Suy Niệm CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – NĂM B
Suy Niệm CHÚA NHẬT
XXXI THƯỜNG NIÊN – NĂM B
Tin Mừng Chúa
Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 12, 28b-34)
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người
rằng: "Trong các giới răn điều nào trọng nhất?"
Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe
đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên
Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là
giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có
giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó".
Luật sĩ thưa Ngài: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói
Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa
hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn
mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh".
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn
xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu".
Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa. Đó là Lời Chúa !
Mến Chúa – Yêu Người là cốt lõi của đạo Công Giáo chúng ta. Từ thời Cựu
Ước, sách Đệ Nhị Luật cho chúng ta thấy, ông Môsê đã dạy cho dân biết điều răn
trọng nhất là yêu mến Chúa: “Hãy yêu mến Đức
Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)” (x. Đnl
6,5). Từ điều luật quan trọng đó, trải qua dòng thời gian, các luật sĩ, biệt
phái đã chú giải thêm thắt thành 613 điều luật khác. Vì thế, người Do Thái không
biết điều nào là chính điều nào là phụ. Chính vì vậy, hôm nay một luật sĩ đến
hỏi Chúa Giêsu: "Trong các giới răn
điều nào trọng nhất?"(Mc 12,28)
Mặc dầu biết ông ta hỏi như vậy là để
thử Ngài, nhưng Chúa Giêsu không chấp mà còn dạy cho ông và mọi người biết : "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi
Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu
mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết
sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính
mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó." (Mc 12,
29-31). Chúa Giêsu xác nhận cách rõ rằng rằng điều răn trọng nhất là mến Chúa
yêu người. Giống như cây thập giá có chiều ngang và chiều dọc: chiều dọc hướng
về Thiên Chúa, chiều ngang vươn tới tha nhân. Cũng vậy, mến Chúa yêu người là
hai chiều kích của tình yêu, phải luôn đi đôi với nhau. Không thể giữ điều này
mà bỏ điều kia, như Thánh Gioan tông đồ đã nói: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn
ở trong bóng tối.”(1Ga 2,9). “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét
anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; Vì ai không yêu thương người anh em mà họ
trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20).
Và Ngài khẳng định: “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình”
(1 Ga 4:21).
1. Yêu mến Thiên
Chúa
Thiên Chúa là tình yêu. Vì yêu thương nên Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn
vật trong đó có con người là hình ảnh của Ngài. Tình yêu đó còn được thể hiện
qua sự quan phòng kỳ diệu. Vì yêu thương nên Ngài đã ban chính Con Một để ai
tin vào Người Con ấy thì được sống muôn đời (x. Ga 3,6). Tình yêu đó còn được
thể hiện trong công trình cứu chuộc. Tột đỉnh của tình yêu là cái chết của Đức
Giêsu trên thập giá: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người
đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13). Người đời thường nói: Có đi có lại mới
toại lòng nhau. Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta yêu mến Ngài đó là lẽ
thường tình. Chúng ta có thể đáp lại tình yêu của Chúa bằng nhiếu cách thế khác
nhau: Tuân giữ mười giới răn của Chúa; Đọc và suy gẫm Lời Chúa; Cầu nguyện,
tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích...Thực hành những việc đó với cả tấm
lòng: Yêu mến hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức chúng ta. Có nghĩa
là chúng ta phải luôn đặt Chúa lên chỗ nhất: Trên cha mẹ, trên vợ chồng, trên
anh chị em, trên của cải, chức quyền danh vọng và mọi thứ khác.
Rất có thể chúng ta đã yêu mến Chúa nhưng có nhiều
lúc chúng ta vẫn chưa yêu mến hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự. Đó là khi
chúng ta chỉ dành cho Chúa một chỗ trong tâm hồn như những thứ khác, thậm chí
là kém hơn những thứ khác. Đó là khi chúng ta chỉ yêu mến Chúa lúc bình an hạnh
phúc. Đó là khi chúng ta chỉ yêu mến Chúa, chạy đến kêu xin Ngài lúc chúng ta
gặp thử thách, đau khổ. Rồi, chúng ta sẵn sàng bỏ Chúa vì chức quyền, danh
vọng, vì thú vui trần thế, vì lợi lộc thấp hèn, vì của cải vật chất, giống như
Giuđa đã bán Chúa 30 đồng bạc. Hãy can đảm xét mình để thấy được tình yêu của
chúng ta dành cho Chúa lâu nay như thế nào? Hãy quyết tâm yêu Chúa hết lòng,
hết sức, trên hết mọi sự, để có thể nói được như Thánh Phaolô tông đồ “Ai có thể tách
chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ,
đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”(Rm 8,35). Đừng để như thánh
Augustinô, hối tiếc vì đã yêu Chúa quá muộn màng.
2. Yêu thương anh em
Về mặt tiêu cực, chúng ta yêu thương tha nhân là không làm cho tha nhân những
gì chúng ta không muốn họ làm cho mình. Ông Tôbia cha đã khuyên ông Tôbia con
rằng: “Điều con không thích thì đừng làm
cho người khác”(Tb 4,15a). Và Đức Khổng Tử cũng khuyên các đệ tử rằng: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho kẻ
khác”. Về mặt tích cực, chúng ta làm cho người khác những gì mình muốn
người khác làm cho mình. Đây cũng là lời dạy của Chúa Giêsu: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta
làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời
các ngôn sứ là thế đó”(Mt 7,12).
Để thực hiện giới răn Yêu Người, trước hết, cần phải yêu
thương những thành viên trong gia đình: Ông
bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột thịt, chú bác, cô dì. Sau đó,
phải yêu thương những người thân cận:
Bạn bè, làng xóm láng giềng, những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Từ đó, chúng ta mới có thể
yêu thương những người khác, những người xa lạ, những kẻ làm hại chúng ta. Bởi
vì, nếu không yêu thương những người có liên hệ với chúng ta thì làm sao chúng
ta có thể yêu thương những người xa lạ, làm sao chúng ta có thể yêu thương kẻ
thù của chúng ta? Vì Chúa Giêsu đã dạy: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét
anh em mình (x. Lc 6,27). Chính Ngài đã làm gương cho chúng ta khi Ngài tha thứ
cho kẻ đóng đinh mình: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm."(Lc
23,34). Noi gương Chúa, nhiều vị thánh đã sẵn sàng
tha thứ cho kẻ làm hại mình. Chẳng hạn, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vào
tù thăm kẻ ám sát mình; thánh Maria Goretti đã sẵn sàng tha thứ cho kẻ giết
mình.
Yêu thương là phải hy sinh, trao hiến: Cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã hy
sinh vì nhân loại. Cao điểm của sự hy sinh đó là trao hiến chính mạng sống mình
trên thập giá vì nhân loại. Noi gương Chúa Giêsu, biết bao vị thánh đã hy sinh,
trao hiến đời mình để phục vụ tha nhân như Mẹ Têrêxa Cacutta, thậm chí đã chết
thay cho người mình yêu như Thánh Maximilianô Kolbe.
Yêu thương phải bằng những việc làm cụ thể qua cử chỉ
thăm viếng, giúp đỡ về tinh thần và vật chất cho những kẻ bé mọn. Đến ngày
chung thẩm, Chúa Giêsu dựa vào tiêu chuẩn này để phán xét chúng ta. Ai thương
yêu giúp đỡ những kẻ bé mọn là giúp đỡ chính Chúa: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là
khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau
yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”(Mt 25, 35-36). Ngược lại, ai không giúp đỡ những kẻ bé
mọn là không giúp Chúa: “Vì xưa Ta đói,
các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống;43
Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã
không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng." (x.
Mt 25, 42-43).
Xét mình lại, có lẽ không ai trong chúng ta đã chu toàn trọn
vẹn luật yêu thương. Cách này cách khác, chúng ta lỗi đức yêu thương đối với
tha nhân trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Ước mong rằng, mỗi chúng ta luôn
cố gắng thể hiện bổn phận yêu thương trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, nhờ đó
người khác sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa. Câu chuyện sau đây dạy chung
ta bài học yêu thương hết sức thiết thực:
Một
hôm trên đường trở về nhà xứ, vị linh mục già của thị trấn Picardie, vừa đi vừa
đọc thầm kinh nhật tụng. Có hai viên sĩ quan trẻ cũng về chung đường. Khi rảo
bước ngang qua, cả hai đều tỏ ý mỉa mai chế nhạo ông cha đạo vì từ lâu họ đã
mất niềm tin nơi Giáo Hội Công giáo. Sẵn đang vui chuyện, họ tiếp tục chủ đề
chỉ trích các tu sĩ, mặc kệ ông cha xứ già bị bỏ rơi lại phía sau một đoạn khá
xa.
Chợt
có một người hành khất ngồi bên vệ đường lên tiếng: “Các anh ơi, xin giúp kẻ nghèo này với.” Nghe vậy, một trong hai sĩ
quan trẻ lục túi tìm cho người ăn mày mấy đồng bạc, trong khi anh kia cũng chợt
nẩy ra một ý. Anh nói với bạn: “Ông cha
già hồi nãy thế nào cũng sẽ đi ngang qua đây. Tôi dám cá độ với anh là ông ta
sẽ chẳng thí cho lão ăn mày này đến một xu ! Cái bọn tu sĩ đạo đức giả ấy chỉ
thích làm phúc trước đám đông mà thôi. Không tin thì ta cứ rình ở đây mà xem !”
Cả hai nhất trí trốn vào một bụi cây gần đó.
Ít
phút sau, quả nhiên vị linh mục già chậm rãi đi tới. Ngài đứng lại nhìn người
hành khất, đưa tay lục hết túi trên túi dưới, rồi hết sức ái ngại nói với ông
ta: “Ông bạn đáng thương ơi, rất tiếc là
ta chẳng có lấy một xu dính túi để chia sẻ cho ông bạn.”
Anh
lính trong bụi nghe thế thì rúc rích cười: “Đấy,
anh thấy chưa ? Tôi nói có sai đâu !” Trong khi ấy, người ăn mày lại tiếp
tục nài van, xin vị linh mục rộng lượng bố thí, còn ngài thì tỏ ra áy náy bứt
rứt vì bó tay. Chợt, ngài nhìn kỹ bộ quần áo rách tả tơi của người ăn mày, động
lòng trắc ẩn, suy nghĩ một thoáng rồi ngài bảo ông ta, giọng vui hẳn lên: “Ông bạn đợi ta một chút nhé, ta sẽ trở lại
ngay !”
Dứt
lời, ngài nhìn trước trông sau rồi chui tọt vào bụi cây ngay cạnh chỗ hai anh
sĩ quan đang núp. Loay hoay một hồi rồi ngài lại bước ra, ngài ân cần đưa cho
người ăn xin chiếc quần dài đã cuốn gọn lại: “Đây, ông bạn hãy cầm đỡ chiếc quần của ta nhé, tuy nó hơi cũ, lại đang
mặc dở, nhưng có lẽ nó cũng giúp phần nào cho ông bạn. Nhớ đừng có kể cho ai
nghe. Nếu có định cám ơn ta thì ông bạn cứ cầu nguyện với Chúa cho ta một điều
tốt lành gì đó cũng được. Thôi ta đi nhé.” Vị linh mục quản xứ già xốc lại
chiếc áo chùng thâm cho ngay ngắn, tay lại mở trang sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ
đang đọc dở dang rồi tiếp tục đoạn đường.
Hôm
sau, có hai người khách lạ tìm đến bấm chuông nhà xứ rất sớm. Vị linh mục già
nhận lời ra ngồi tòa giải tội ngay. Và tất cả đầu đuôi câu chuyện đã được lần
lượt thuật lại từ miệng hai anh sĩ quan trẻ tuổi ngày hôm qua, lòng hối hận, dạ
chân thành ăn năn. Cha xứ ngẩn ngơ thốt lên: “Ôi Thiên Chúa nhân lành, chỉ với một chiếc quần cũ của con mà Ngài đã
đem về cho con những hai linh hồn sao ?” (Theo lời kể của Đức Ông DE SÉGUR)
Lm. Anthony Trung
Thành
Leave a Comment