SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN – NĂM B

 

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN – NĂM B


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 10, 46-52)



 Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi". Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi".

Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh". Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu.

Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho anh?" Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy".

Chúa Giêsu đáp: "Ðược, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người. Đó là Lời Chúa !

 

 

Suy Niệm: Các loại mù loà trong cuộc sống

Theo thống kê trên thế giới vào năm 2002 cho thấy ước tính có khoảng 161 triệu người mù loà, trong đó có 124 triệu người khiếm thị và 37 triệu người mù. Chúng ta cần phân biệt: Người khiếm thị? Người mù và người mù loà? Người khiếm thị là người sau khi được điều trị hoặc điều chỉnh khúc xạ mà thị lực bên mắt tốt vẫn còn từ dưới 3/10 đến trên mức không nhận thức được sáng tối, và bệnh nhân vẫn còn khả năng tận dụng thị lực này để lên kế hoạch và thực thi các hoạt động hàng ngày. Người mù là người hoàn toàn không có khả năng nhận thức sáng tối. Người mù loà là danh từ để chỉ chung người khiếm thị và người mù(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

Ngoài bệnh mù thể xác, con người còn mắc phải nhiều chứng bệnh mù khác nhau: Số người mù chữ trên thế giới có khoảng 850 triệu. Riêng tại Việt Nam tính đến năm 2008, số người mù chữ là 1,7 triệu (Theo VNE). Số người mù về Thiên Chúa chiếm đa số phần đông nhân loại: Nếu tính người tin vào Đức Kitô có khoảng 30% dân số thế giới. Còn nếu tính riêng người Công giáo thì chỉ chiếm khoảng 17%. Số còn lại, họ không biết về Thiên Chúa. Họ mù về Thiên Chúa.

Ngoài ra, con người còn bị các chứng bệnh mù nặng nhẹ khác nhau. Chẳng hạn: Mù về vi tính, mù internet, mù công lý và sự thật, mù lòng bác ái, mù đức công bằng, mù lòng hiếu thảo, mù về trách nhiệm của mình và quyền lợi của kẻ khác...Có khi cha mẹ mù loà không nhận thấy trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ con cái. Có khi con cái mù loà không thấy được bổn phận yêu mến, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ. Có khi vợ chồng mù loà không thấy được trách nhiệm đối với nhau. Có khi người giáo dân mù loà không thấy được trách nhiệm đối với Giáo hội. Có khi người mục tử mù loà không thấy được trách nhiệm đối với đàn chiên…

Trong bài Tin mừng, thánh Mc cho biết, khi anh Ba-ti-mê lên tiếng kêu cầu Chúa Giêsu đến cứu giúp mình, đáng lý ra những người bên cạnh phải có trách nhiệm trợ giúp anh ta, ngược lại,Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi”(x. Mc 10,48). Họ bị mù tình liên đới cảm thông, mù vì thiếu sự giúp đỡ. Hành động của đám đông có thể cũng là hành động của chúng ta. Đó là khi chúng ta làm gương mù gương xấu cho người khác nhất là những người có mặc cảm với Chúa với đạo. Đó là khi chúng ta không tạo cơ hội cho kẻ tội lỗi được trở về nẻo chính đường ngay, trái lại còn có ý trù dập, nói xấu, gièm pha họ. Đó là khi chúng ta chỉ thấy những điểm tốt mà không thấy những điểm xấu của mình mà sửa chữa. Đó là khi chúng ta chỉ thấy những điểm xấu mà không thấy những điểm tốt của tha nhân. Đúng như người ta nói, con người mang hai chiếc túi: Chiếc túi phía trước mang những khuyết điểm của anh em. Chiếc túi phía sau mang những khuyết điểm của mình. Vì thế, chúng ta chỉ thấy những nết xấu của anh em mà không thấy những nết xấu của mình.

 

Anh Ba-ti-mê bị mù đôi mắt. Anh không thấy ánh sáng. Anh phải ngồi bên vệ đường để ăn xin. Anh bị thiệt thòi rất nhiều điều. Mặc dầu bị ngăn cản cách này cách khác nhưng anh vẫn không chùn bước. Càng bị ngăn cản anh càng “kêu lớn tiếng”. Điều đó chứng tỏ, anh ta không sợ đám đông, không sợ cường quyền. Mặt khác, anh ta tin tưởng ở Chúa Giêsu. Có thể chưa bao giờ gặp Chúa, nhưng hằng ngày anh ta ngồi bên vệ đường, anh đã nghe người qua kẻ lại nói về Chúa, nên anh ta tin tưởng ở Chúa Giêsu. Anh mù đôi mắt thể xác nhưng lại sáng con mắt đức tin. Sau khi được Chúa chữa lành đôi mắt phần xác, anh đã quyết tâm đi theo Chúa. Theo Chúa đang trên đường lên Giêrusalem, đồng nghĩa với chấp nhận vác thập giá, chịu đau khổ Tấm gương của anh đáng cho mọi người chúng ta noi theo.

Xã hội chúng ta đang sống vẫn còn đó những người có hoàn cảnh giống như anh mù Ba-ti-mê. Theo dõi các trang mạng xã hội chúng ta thấy, dân chúng bị áp bức khắp nơi. Họ bị oan ức. Họ bị bạo quyền trấn áp. Họ bị cướp đất, cướp nhà cửa. Họ kêu cứu sự giúp đỡ từ mọi phía nhưng không được đáp trả. Trái lại, họ bị ngăn cản, bị hàm oan. Họ là nạn nhân của sự mù loà công lý và sự thật. Gần đây dư luận quan tâm đến cái chết bất thường của em Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, sau hai tháng bị tạm giam, làm dấy lên nhiều lo ngại của dư luận về việc thi hành luật pháp tại Việt Nam. Những lo ngại này xoay quanh chế độ giam giữ, xử lý vi phạm ở trẻ vị thành niên, cũng như nỗi lo sợ về nguy cơ hành pháp lạm quyền, dẫn đến rủi ro quá lớn cho công dân Việt Nam khi bước chân vào trụ sở cơ quan công quyền. Đặc biệt điều đáng lo ngại hơn cả chính là: Sau cái chết uẩn khúc của em Dư, gia đình kêu oan. Nhưng tiếng kêu cứu của họ bị ngăn cản từ mọi phía. Liệu nỗi oan ức của họ có được giải quyết không?

Anh mù Ba-ti-mê can đảm đấu tranh và may mắn gặp được Chúa Giêsu vừa có quyền vừa có tình thương. Còn nhiều dân oan trong xã hội ngày hôm nay vẫn can đảm kêu cứu nhưng ít khi gặp được sự trợ giúp mà chỉ gặp những người có quyền nhưng không có tình thương. Vì vậy, họ vẫn phải đối diện với sự tối tăm của bệnh mù loà công lý và sự thật từ mọi phía.

Hãy xin Chúa cho chúng ta có tấm lòng như Chúa Giêsu biết nhận thấy sự mù loà của tha nhân để giúp đỡ. Xin cho chúng ta có cái nhìn như anh Ba-ti-mê, biết nhận ra Chúa là Thiên Chúa và quyết tâm đi theo Người. Xin cho chúng ta biết giới thiệu Chúa cho anh chị em mình. Xin cho chúng ta biết giới thiệu anh chị em mình cho Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau xin Chúa “cho chúng ta được thấy”. Thấy Chúa để yêu mến Người. Thấy anh chị em để yêu thương. Thấy những người đau khổ để giúp đỡ. Thấy những người yếu thế để bênh vực. Mù đôi mắt thể xác là một thiệt thòi lớn cho con người. Nhưng mù đôi mắt tâm hồn lại tệ hại hơn nhiều. Xin Chúa cho chúng ta thà mù đôi mắt thể xác chứ đừng để chúng ta mù đôi mắt tâm hồn. Phải can đảm cầu nguyện như người mù trong câu chuyện sau đây:

Chuyện kể rằng, có một người mù lúc nào cũng kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng câu: "Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con."

Một hôm, người ta dẫn ông đến trước mộ thánh Thomas thành Cantorbery để xin Người chữa cho ông sáng mắt. Ông được nhận lời. Đôi mắt vụt sáng lên ngay. Nhưng sau những giây phút vui mừng sung sướng, ông mới chợt nhớ là mình đã quên thêm vào lời cầu nguyện kết thúc: "Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con."

Ông liền trở lại viếng mộ thánh Thomas, và xin được mù trở lại, nếu điều đó đem lại lợi ích cho phần rỗi linh hồn của ông hơn là được sáng mắt. Thế là ông lại mù như trước.

 

Lm. Anthony Trung Thành

 

 

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.