Suy Niệm CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM B

 

Suy Niệm CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 10, 35-45)


Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy". Người hỏi: "Các con muốn Thầy làm gì cho các con?" Các ông thưa: "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy".

Chúa Giêsu bảo: "Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được". Chúa Giêsu bảo: "Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định".

Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan.

Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: "Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế.

Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người.

Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người". Đó là Lời Chúa !

 

SUY NIỆM: PHỤC VỤ VÌ LỢI ÍCH CỦA THA NHÂN

Theo Chúa lâu năm, nhưng các Tông đồ vẫn đang còn nuôi mộng làm lớn. Tin mừng hôm nay cho biết, hai ông Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”(Mc 10,37). Mười môn đệ kia, mặc dầu không công khai nói lên điều đó, nhưng khi nghe hai ông lên tiếng, họ đã tỏ thái độ“bực tức”. Chứng tỏ họ cũng không hơn gì hai ông, thích tranh dành quyền lực.

Chúa Giêsu giải thích về sứ mạng của Ngài và mời gọi các ông thông phần: "Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định"(Mc 10,39-40). Nhân dịp này, Chúa cũng dạy cho các ông bài học về việc phục vụ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người(Mc 10, 43-44). Qua lời Chúa dạy hôm nay, chúng ta tìm hiểu về tinh thần phục vụ nơi Chúa  Giêsu và tinh thần phục vụ của con người qua mọi thời đại.

 

1. Tinh thần phục vụ nơi Chúa Giêsu

Trong Kinh tin kính chúng ta đọc rằng: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”. Thật vậy, cả cuộc đời của Chúa Giêsu từ khi sinh ra cho đến lúc chịu chết trên thập giá, là một chuỗi thời gian phục vụ: Sinh ra trong hang đá nghèo nàn. Lớn lên trong gia đình Nazareth đơn sơ. Trong ba mươi năm sống ẩn dật, Ngài làm nghề thợ mộc kiếm sống. Ngài làm nhiều việc như những người khác (ngoại trừ tội lỗi) để giúp đỡ Thánh Giuse và Mẹ Maria. Đặc biệt, Ngài hằng vâng phục hai ông bà. Trong ba năm hoạt động công khai, tinh thần phục vụ của Ngài được thể hiện một cách rõ nét hơn.

Tinh thần phục vụ của Ngài được thể hiện qua việc chọn lựa và huấn luyện các tông đồ. Từ những người quê mùa, dốt nát, ham danh tranh lợi, Chúa đã kiên nhẫn huấn luyện họ trở thành những tông đồ chân chính.

Tinh thần phục vụ của Ngài được thể hiện qua việc kiên trì giảng dạy. Mặc dầu “Lời giảng của Ngài có uy quyền” làm cho nhiều người thán phục, nhưng cũng không ít người phản đối, lên án, thậm chí bỏ Ngài mà đi. Dầu vậy, Ngài vẫn tiếp tục giảng dạy, khuyên nhủ trong tinh thần kiên trì, nhẫn nại và yêu thương.

Tinh thần phục vụ của Ngài được thể hiện qua những phép lạ Ngài làm. Cho kẻ què được đi. Kẻ câm nói được. Kẻ điếc nghe được. Kẻ mù được thấy. Kẻ chết sống lại. Ngài chữa bệnh cho những người bị bệnh phong cùi, người đàn bà bị bệnh loạn huyết mười hai năm. Ngài cho ông Lazarô đã chết bốn ngày được sống lại… Ngài cảm thông những nỗi yếu hèn của loài người vì chính bản thân Ngài cũng từng trải qua đau khổ(x. Bài đọc II).

Tinh thần phục vụ của Ngài được thể hiện qua sự lưu tâm đến những người tội lỗi: Những người thu thuế và các cô gái điếm. Ngài cho họ cơ hội cải tà quy chính, trở thành người tốt.

Tinh thần phục vụ của Ngài được thể hiện qua việc quan tâm đến những người không có chỗ đứng trong xã hội thời bấy giờ, đó là các trẻ em và các phụ nữ. Ngài nói với các tông đồ: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng”(Mt 19,14).

Tinh thần phục vụ của Ngài được thể hiện một cách cụ thể nhất khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Đỉnh cao của việc phục vụ là Ngài tự nguyện bước vào cuộc khổ nạn, hy sinh tính mạng của mình vì người mình phục vụ như lời Ngài nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”(Mc 10,45). Ngài chính là Người Tôi Tớ Giavê bị nghiền nát vì đau khổ để hiến thân làm lễ vật đền tội và làm cho muôn người nên công chính (x. Bài đọc I).

 

2. Tinh thần phục vụ nơi con người qua mọi thời đại.

Nhà tu đức Jean Vanier, phân biệt hai loại quyền bính : Một loại quyền bính từ trên áp xuống. Người nắm loại quyền bính này tự coi mình là kẻ ở trên và những kẻ thuộc quyền mình là những người ở dưới. Người này bắt những kẻ dưới phải làm theo ý mình, nếu không theo thì phạt. Loại quyền bính này được dùng để cai trị, hay nói chính xác hơn là thống trị. Loại quyền bính thứ hai không từ trên áp xuống mà đứng bên cạnh để giúp đỡ. Người nắm quyền bính này không coi mình là ở trên cũng không coi kẻ thuộc quyền mình là ở dưới. Người này không nhắm cho ý mình được người ta thực hiện, nhưng nhắm đến ích lợi chung và ích lợi của kẻ mình muốn giúp đỡ. Loại quyền bính này được dùng để phục vụ(x. SCĐ CHÚA NHẬT XXIX TN.B).

Thật vậy, nhìn vào Giáo hội và xã hội hôm nay, chúng ta vẫn thấy tồn tại hai thứ quyền bính trên.

May mắn cho Giáo hội và xã hội vì có rất nhiều những con người phục vụ vô vị lợi theo gương Chúa Giêsu. Đó là tinh thần phục vụ của các tông đồ sau ngày lễ Ngũ Tuần. Đó là tinh thần phục vụ của Giáo hội qua mọi thời đại. Đó là tinh thần phục vụ của Mẹ Têrêxa Cacutta. Tinh thần phục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tinh thần phục vụ của những người cha người mẹ trong gia đình tận tuỵ hy sinh vì con cái. Tinh thần phục vụ của những người thầy cô  giáo vì các học sinh thân yêu. Tinh thần phục vụ của các bác sĩ, y sĩ vì các bệnh nhân. Tinh thần phục vụ vì người nghèo, vì những người thấp cổ bé miệng. Họ phục vụ vì lợi ích chung và vì lợi ích người mình phục vụ.

Nhưng vẫn còn đó rất nhiều người trong đạo ngoài đời dùng quyền để “Sai khiến dân chúng như ông chủ, họ lấy uy quyền mà trị dân”(x. Mc 10,42). Họ phục vụ vì mình, vì tiền, vì lợi ích phe nhóm: Thích đến với người giàu, người có chức quyền, ngại gặp người nghèo, người thấp cổ bé miệng. Vì vậy, đối tượng ưu tiên để họ phục vụ là người giàu, người có chức quyền. Người có quyền, có tiền sẽ được phục vụ chu đáo. Người nghèo luôn bị bỏ rơi. Cho nên, vẫn còn đó những bệnh nhân không được phục vụ chu đáo và thậm chí còn bị chết oan trong bệnh viện vì không có tiền “Phong bì”. Có những người dân bị đánh đập dã man và chết oan tại các cơ quan công quyền. Có rất nhiều người nghèo đói, ốm đau bệnh tật không được ai quan tâm. Có thể họ là thành viên trong các cộng đoàn giáo xứ, thậm chí họ ở ngay trong gia đình của chúng ta.

 

Là người kitô hữu, chúng ta được mời gọi phục vụ kẻ khác theo địa vị và khả năng của mình. Là linh mục, tu sĩ, ban hành giáo, giáo lý viên, thành viên các hội đoàn, cha mẹ, vợ chồng, con cái… Chúng ta đang phục vụ với thái độ nào?  Thống trị hay giúp đỡ? Phục vụ vì mình hay vì lợi ích của tha nhân ?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có tinh thần phục vụ của Chúa, phục vụ vì lợi ích chung và vì lợi ích của người mình phục vụ. Amen

Lm. Anthony Trung Thành

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.