Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên – Năm C

Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên – Năm C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 6, 17. 20-26)
Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật.
Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:
"Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi.
Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy.
Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười.
Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương.
Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế. "
Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi.
Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát.
Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc.
Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả". Đó là Lời Chúa !

Suy Niệm: Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều cố gắng để “xóa đói, giảm nghèo”. Đây là một chương trình xem ra rất có lý và hợp với lòng người. Thực ra chương trình này đã được thiết lập từ lâu. Chính xác là “Ngày quốc tế xóa nghèo” đầu tiên đã diễn ra tại Paris, Pháp, vào ngày 17 tháng 10 năm 1987. Ngày này khoảng 100.000 người đã tập họp tại “Sân Nhân quyền và Tự Do” ở Quảng trường Trocadéro, Paris, Pháp, để vinh danh các nạn nhân của nghèo, đói, bạo lực và sợ hãi, theo lời kêu gọi của linh mục Joseph Wresinski (1917–1988) - người sáng lập Phong trào quốc tế ATD (Aide à toute détresse), sau thành Agir tous pour la dignité Quart monde (tạm dịch "Giúp mọi cảnh khốn quẫn, tất cả hành động vì phẩm giá thế giới thứ tư", thế giới thứ tư là ý nói thành phần những người nghèo, dựa theo ý nghĩa thế giới thứ ba) năm 1957. Họ tuyên bố rằng nghèo đói là một vi phạm nhân quyền và khẳng định sự cần thiết phải đến với nhau để đảm bảo rằng các quyền được tôn trọng. Những niềm tin được ghi trong một hòn đá kỷ niệm công bố vào ngày này. Kể từ đó, mọi người thuộc mọi tầng lớp, niềm tin và nguồn gốc xã hội đã tập hợp hàng năm vào ngày 17 tháng 10 để nhắc lại những cam kết của mình và thể hiện tình đoàn kết với người nghèo. (Nguồn: vi.wikipedia.org)
Ở đời, chắc chắn ai cũng mong muốn cho mình, gia đình mình có một cuộc sống đầy đủ, ăn no mặc ấm chứ không ai muốn mình và gia đình mình phải lâm vào cảnh nghèo đói. Cho nên, có thể nói nghèo đói là một tai họa của con người, là kẻ thù của con người. Vì vậy, mọi người đều mong muốn thoát nghèo, các nước trên thế giới đang tìm mọi cách để xóa đói giảm nghèo. Thoát được nghèo, xóa được đói là niềm vui chung của nhân loại. Cuộc sống đầy đủ, sung túc là hạnh phúc của mỗi người.
Vậy tại sao trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu lại nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy.” Ngài còn nói thêm rằng: “Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát.” Phải chăng khi đề cao nghèo đói và lên án sự giàu có thì Đức Giêsu đi ngược lại với ước muốn của con người?
Thật ra, Đức Giêsu không bao giờ muốn cho con người đói khát, nghèo khổ. Trái lại, Ngài luôn muốn cho con người được ấm no, hạnh phúc. Trong 3 năm đời sống công khai, chính Ngài đã nhiều lần làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hàng ngàn người đói được ăn no nê. Trong kinh Lạy Cha Ngài còn dạy các Tông đồ và chúng ta cầu nguyện rằng: “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày…”
Vậy tại sao Đức Giêsu lại tuyên bố : “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy.”
Để hiểu vấn đề này, chúng ta cần đặt lời tuyên bố của Đức Giêsu đúng với bối cảnh và đúng với đối tượng. Thật vậy, Ngài tuyên bố những lời trên đây với các môn đệ trong bối cảnh các ông đang bị đói khát, đang sống trong cảnh thiếu thốn đủ mặt vì Chúa và vì Tin mừng. Trước khi theo Đức Giêsu, hầu hết các môn đệ là những người có đời sống khá giả. Các ông đã có nghề nghiệp ổn định, ít ra cũng có chiếc thuyền, chiếc lưới ngày ngày đi đánh bắt cá để nuôi sống bản thân và gia đình. Hay như Mathêu, ông đã có nghề thu thuế, hằng ngày chỉ ngồi hái ra tiền. Nhưng từ khi theo Đức Giêsu, các môn đệ phải từ bỏ mọi sự mình có, từ bỏ nghề nghiệp, chấp nhận một cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó như lời Ngài khẳng định: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, cho người không có chỗ tựa đầu.” Như vậy, các môn đệ chấp nhận sống nghèo khó vì Chúa, vì Tin mừng cho nên sự nghèo khó của các ông được Chúa chúc phúc.
Với chúng ta ngày hôm nay cũng vậy. Nếu chúng ta biết sống nghèo vì Chúa và vì Tin mừng thì chúng ta cũng được chúc phúc như các Tông đồ ngày xưa.
Sống nghèo khó vì Chúa và vì Tin mừng là chấp nhận hy sinh, gian khổ, nghèo khó để phục vụ Chúa và anh chị em mình, nhất là phục vụ những người nghèo khó, khổ đau như gương sống của Mẹ Têrêxa Caculta.
Sống nghèo khó vì Chúa và vì Tin mừng là biết từ bỏ mọi sự giàu sang phú quý để sống cho Chúa và cho các linh hồn như trường hợp của Thánh Phanxicô Assisi.
Sống nghèo khó vì Chúa và vì Tin mừng là biết quảng đại dâng hiến những của cải mình có cho người nghèo, cho Giáo hội như gương của người đàn bà góa trong Tin mừng.
Xin cho tất cả mọi người chúng ta biết sống làm sao để nhận được lời chúc phúc của Chúa: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy.” Đừng để bị Chúa quở trách: “Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát.” Đó là khi chúng ta có của cải mà của cải đó là do làm ăn bất chính, tham ô, tham nhũng mà có. Đó là khi chúng ta giàu có mà không biết bố thí, không biết dâng cúng cho Chúa và các công việc xây dựng Nước Chúa…

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết chấp nhận hy sinh tất cả để sống nghèo vì Chúa và vì Tin mừng. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.