Suy niệm CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM C
Suy
niệm CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM C
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Bấy giờ Chúa Giêsu
trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả
miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca
tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người,
thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta
trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:
"Thánh Thần
Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho
người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát
cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp
bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng".
Người gấp sách lại,
trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú
nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh
mà tai các ngươi vừa nghe". Ðó là lời Chúa !
Suy niệm: Sứ Mạng Của Chúng Ta Đối Với Lời
Chúa ?
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã
xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người
đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ
được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của
Chúa”(Lc 4,18-19). Sau
khi đọc xong lời Kinh Thánh trên đây tại hội đường Nazarét, Chúa Giêsu đã tuyên
bố rằng: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh
Thánh mà tai các người vừa nghe”(Lc 4,21). Vâng, đó chính là sứ mạng của Ngài.
Trong ba năm hoạt động công khai, Ngài đã chu toàn trọn vẹn sứ mạng cao cả đó. Trước
khi về trời, Ngài đã trao sứ mạng đó cho các Tông đồ và mỗi người chúng ta: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ rao
giảng Tin mừng cho mọi loài thụ tạo”(Mc 16,15). Vậy, chúng ta phải làm gì để
chu toàn sứ mạng đó?
1.
Đọc và suy gẫm Lời Chúa
Để loan báo về Đức Kitô thì trước hết phải
biết về Ngài. Muốn biết về Đức Kitô một
cách chính xác cần phải biết Kinh Thánh. Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Đức
Kitô”. Để biết về Kinh Thánh, cần phải đọc Kinh Thánh dưới sự hướng dẫn của
Giáo Hội và sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Để hiểu ý nghĩa từng câu, từng
đoạn trong Kinh Thánh cần phải liên kết nó với toàn bộ Kinh Thánh. Kinh Thánh
là Lời Chúa. Lời Chúa là chính Chúa. Bởi vậy, cần phải đọc Kinh Thánh với một
thái độ tôn kính và yêu mến. Chúng ta thường thấy ở phần cung thánh của nhiều
thánh đường đã thiết kế hai nhà tạm: Một bên để Lời Chúa và bên kia là Thánh
Thể. Lời Chúa và Thánh Thể ngang hàng với nhau.
Trong bài đọc I, khi Esdras đọc Lời Chúa: Tất cả dân chúng đều lắng nghe ông đọc sách
luật; tất cả đều đứng lên; toàn dân cảm động đến muốn khóc (x. Bài đọc I). Trong bài Tin Mừng, Thánh Luca tường
thuật lại: Chúa Giêsu đứng dậy đọc Sách Thánh.
Đọc xong, Ngài gấp sách lại, trao cho
thừa tác viên, và ngồi xuống(x. Lc 4,20). Tất cả các cụm từ: Lắng nghe,
đứng lên, cảm động, gấp sách lại…Là những thái độ thể hiện sự tôn kính, yêu mến
Lời Chúa. Cũng vì để thể hiện sự tôn kính, yêu mến Lời Chúa, Giáo hội có thói
quen đứng dậy khi đọc Lời Chúa, đặc biệt là đọc Tin Mừng. Sau bài Tin Mừng trong
thánh lễ, các linh mục hôn kính Sách Thánh.
Để nhằm mục đích cho con cái được đọc và
nghe Lời Chúa thường xuyên, trong các ngày thường quanh năm, ngoài bài Tin Mừng
ra, Giáo hội sắp xếp các bài đọc trong thánh lễ thành năm chẵn, năm lẽ. Trong
các ngày Chúa nhật, ngoài bài đọc I và II, Bài Tin Mừng được sắp xếp theo chu
kỳ A,B,C. Ngoài ra, Giáo Hội còn đưa các bài đọc vào các Giờ Kinh Phụng Vụ. Giáo
Hội còn khuyến khích các gia đình đọc Lời Chúa trong các giờ kinh tối sáng.
Giáo hội còn mong muốn con cái của mình đọc một đoạn Lời Chúa: Trước các buổi
sinh hoạt của các tổ liên gia hay trong các cuộc hội họp của hội đoàn, đặc biệt
là tại các buổi chia sẻ Lời Chúa…Giáo Hội làm hết sức mình để mỗi người có thể tiếp
xúc với Lời Chúa, đọc và suy gẫm Lời Chúa hằng ngày. Chính vì vậy, mỗi chúng ta
cần phải dành nhiều thời gian để đọc và suy gẫm Lời Chúa như Giáo Hội mong
muốn.
2. Phổ biến Lời Chúa
Khi đã đọc và suy gẫm
Lời Chúa, người Kitô hữu chúng ta còn cần phải tìm cách phổ biến Lời Chúa cho
những người khác. Thánh Phaolô nói: “Thế
nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không
được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?”(Rm 10,14). Đối tượng để chúng ta phổ biến
Lời Chúa là hết thảy mọi người.
Trước
hết, phải phổ biến Lời
Chúa cho những người thân trong gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình có
trách nhiệm phổ biến Lời Chúa cho nhau. Đặc biệt, cha mẹ có trách nhiệm phổ
biến Lời Chúa cho con cái. Nhiều cha mẹ thường đưa những kinh nghiệm rút ra từ
các câu ca dao, tục ngữ để dạy con cái. Điều đó rất tốt. Nhưng sẽ tốt hơn, nếu cha
mẹ biết vận dụng những câu Kinh Thánh, những câu chuyện được rút ta từ Kinh
Thánh để dạy cho con cái mình. Để làm tốt điều đó, mỗi gia đình cần có ít nhất
là một cuốn Kinh Thánh.
Thứ
đến, chúng ta có trách
nhiệm phổ biến Lời Chúa cho những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Thánh
Ingatiô đã lặp đi lặp lại câu Lời Chúa "Có
lợi ích gì nếu được cả thế gian mà mất sự sống?" (Mt. 16,26a ).
Nhờ thế, Ngài đã thuyết phục được chàng trai trẻ là Phanxicô Xaviê từ bỏ mọi
vinh hoa phú quý để trở thành vị Tông đồ đem Tin Mừng cho người Á Đông. Theo
gương Thánh Ignatiô, chúng ta có thể tặng cho bạn bè, tặng cho anh em lương
dân, những người chúng ta gặp gỡ các câu Lời Chúa, sách Kinh Thánh. Và nếu có
thể, hãy dạy giáo lý cho họ khi có cơ hội. Thánh Phanxicô viết cho Thánh
Ignatiô từ Viễn Đông rằng: “Khi tôi đến
các làng, trẻ em không để cho tôi đọc kinh nhật tụng, ăn uống, ngủ nghỉ, nếu
tôi chưa dạy cho một kinh…Tôi đã bắt đầu dạy cho chúng làm dấu thánh giá mà
tuyên xưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và dạy cho chúng kinh Tin
Kính, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng”(x. Bài đọc 2, Kinh Sách ngày 3/12).
Thứ
ba, hãy phổ biến Lời Chúa
qua các phương tiện truyền thông đại chúng: Internet; sách báo... Hiện nay, hầu
hết các Giáo Phận, các Dòng Tu và nhiều Giáo Xứ có trang Web riêng. Đa số các
trang web đó đều phổ biến Lời Chúa và các bài suy niệm Lời Chúa hằng ngày.
Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội, có rất nhiều cộng đoàn, cá nhân đăng tải
các bài Lời Chúa, các câu Lời Chúa, các bài suy niệm…Thiết nghĩ, đó là cách phổ
biến Lời Chúa rất hữu dụng. Đành rằng, phương tiện nào cũng có hai mặt: Mặt phải
và mặt trái; mặt tốt và mặt xấu. Đừng vì mặt trái, mặt xấu mà chúng ta bỏ lỡ cơ
hội để phát huy mặt tốt. Trong mảnh ruộng đầy cỏ gú, cách tốt nhất để diệt
chúng là trồng thế vào đó những cây giống tốt.
Ngoài ra, chúng ta có thể phổ biến Lời
Chúa bằng nhiều cách khác nữa, tuỳ vào hoàn cảnh và điều kiện của chúng ta. Tôi thấy
nhiều nhà thờ có chương trình hái lộc Thánh Lời Chúa trong đêm giao thừa hay
trong ngày mùng một tết. Mỗi gia đình cử một đại diện lên hái lộc Lời Chúa, câu
Lời Chúa hái được là châm ngôn sống của cả gia đình mình trong năm mới. Đó là cách làm rất có ý nghĩa.
3.
Thực hành Lời Chúa
Sau khi đọc sách tiên
tri Isaia(x. Is 61,1-2). Chúa Giêsu
dõng dạc tuyên bố: “Hôm nay, ứng nghiệm đoạn
Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”(x.Lc 1,21). Chúa Giêsu không những
tuyên bố mà Ngài còn thực hiện trọn vẹn lời tiên báo của tiên tri Isaia: Ngài
đã đi khắp nơi rao giảng Tin mừng; giải thoát cho những kẻ bị giam cầm trong
tội; trả tự do cho kẻ bị áp bức; chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền...Chúng ta
cũng vậy, không chỉ đọc, suy gẫm và phổ biến Lời Chúa mà còn cần phải thực hành
Lời Chúa, nghĩa là sống chứng nhân Tin Mừng. Đây là cách loan báo Tin Mừng có
sức thuyết phục nhất. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Con người thời nay thích lắng nghe các chứng nhân hơn là nghe những
thầy dạy, và nếu họ lắng nghe những thầy dạy thì bởi vì những thầy dạy ấy là
các chứng nhân”. Có nhiều cách sống chứng nhân Tin Mừng, nhưng thiết nghĩ
cách tốt nhất là sống hiệp nhất yêu thương: Sự hiệp nhất yêu thương đó đã được
Thánh Phaolô diễn tả một cách rõ ràng trong bài đọc II, Ngài nói: “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là
một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng
vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là
Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng
một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần
Khí duy nhất”(1Cr 12, 12-13). Đức Kitô là thân nho, mỗi thành phần trong
Giáo hội là những cành nho. Cành nho phải liên kết với thân nho (x. Ga 15,1-8).
Mặc dầu mỗi thành phần trong Giáo hội khác nhau về tiếng nói, màu da, chủng
tộc…Nhưng đều là chi thể trong một thân thể là Đức Kitô. Vì vậy, cần phải liên
kết với nhau, cần phải hiệp nhất yêu thương nhau. Hiệp nhất yêu thương giữa các
thành viên trong gia đình, trong các cộng đoàn và trong toàn thể Giáo Hội. Các
Kitô hữu đầu tiên đã sống hiệp nhất yêu thương
khi tất cả các tín hữu chỉ có một lòng một ý, và để mọi sự làm của chung
(x. Cv 2,44). Khi đạo Công Giáo mới du nhập vào nước ta, người ngoại giáo chưa
biết gọi tên đạo chúng ta là gì, nhưng họ nhìn thấy các kitô hữu sống hiệp nhất
yêu thương nhau nên họ gọi đạo chúng ta là đạo yêu thương. Cho nên, có thể nói
“Yêu Thương” là tên gọi khác của đạo Công Giáo. Xin cho mọi người kitô hữu
chúng ta biết sống hiệp nhất yêu thương để mọi người nhận ra chúng ta là môn đệ
của Chúa, như Chúa Giêsu đã từng nói:“Mọi
người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: Là anh em có lòng yêu
thương nhau” (Ga 13,35).
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xưa Chúa đã hoàn thành
sứ mạng loan báo Tin Mừng. Trước khi về trời, Chúa đã trao phó sứ mạng đó cho
Giáo Hội và mỗi người chúng con. Xin giúp chúng con chu toàn sứ mạng đó bằng
cách siêng năng đọc, phổ biến và thực hành Lời Chúa trong đời sống hằng ngày.
Amen
Lm. Anthony Trung Thành
Leave a Comment